Việt Nam có 3 miền là Băc Trung Nam, mỗi miền có đặc trưng riêng về ẩm thực.
Xuân miền Bắc rực rỡ trong sắc hồng thắm của hoa đào và co ro trong tiết lạnh, người miền Bắc dường như nuông chiều bản thân hơn với các món như bánh chưng, giò lụa, dưa hành, nem rán, canh măng chân giò, thịt đông thật béo và đầy năng lượng.
Ngày Tết ở miền Trung lại không thể thiếu những món ăn dân dã như dưa món, nem chua, tré, thịt dầm bên cành mai vàng sắc nắng. Mâm cỗ cúng Tết miền Trung nấu khéo, nhìn thấy trong đó cả âm hưởng của sự chắt chiu, chia sẻ.
Người miền Nam lại giản dị, mộc mạc trong ẩm thực ngày đầu năm với những món ăn như thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, bánh tét, tôm khô củ kiệu…
1. Bánh tét - món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung
- Bánh tét thì miền Nam cũng có, thế nhưng nếu có dịp ghé, bạn sẽ thấy món ăn ngày Tết không thể thiếu này ở miền Trung lại bình dị đến mức khó tưởng.
- Không quan trọng nhiều màu sắc, đôi khi cũng chẳng cần có nhân, bánh Tét miền Trung chỉ cần đôi ba lon nếp, một ít lá chuối xanh, ít muối, ít tiêu cũng đủ làm nên hương vị Tết.
- Nguyên liệu càng đơn giản, không có nhân thì bánh sẽ càng giữ được lâu. Chẳng thế mà, mỗi gia đình miền Trung chỉ làm dăm ba đòn bánh Tét có nhân, còn lại để không, ra năm chiên giòn rụm ăn kèm vài lát dưa món, chẳng mấy chốc mà hết cả đòn...
2. Mứt gừng - món ăn “chơi” thưởng ngoạn ngày Tết của người miền Trung
- Nếu miền Bắc nổi tiếng với mứt sen, miền Nam có mứt dừa thì miền Trung sẽ là mứt gừng. Ngẫm lại mới thấy, người ta bảo người miền Trung thích vị cay nồng chẳng sai tí nào.
- Dưới cái tiết trời se lạnh, mưa phùn phất phơ của những ngày đầu năm, ngậm một miếng mứt gừng cay cay, nhâm nhi tách trà nóng, chẳng cần gì Tết cũng đủ ấm lòng.
3. Bánh in - món ăn ngày Tết gắn liền với cả tuổi thơ của người miền Trung
- Cứ đến gần Tết, lũ trẻ con lại kháo nhau những chiếc bánh in đầy màu sắc, hồi đó chỉ có mỗi vị của đậu xanh bùi bùi, ngọt lịm mà ăn hoài chẳng ngán.
- Bánh in giờ đa dạng hơn, nhiều họa tiết rồng phượng, được gói ghém cầu kỳ nhưng hương vị sẽ chẳng thể lẫn vào đâu.
4. Dưa món
- Dưa món gần như là món ăn quốc dân trong ngày Tết, thế nhưng phải chăng dưới cái nắng gay gắt của miền Trung mà nguyên liệu làm dưa món giòn dai và cay nồng hơn bất cứ đâu, hay chăng là sự ưu ái riêng cho mảnh đất đầy nắng gió này.
- Dưa món được làm từ đu đủ xanh, cà rốt, hành kiệu, ớt, tỏi… ngâm với nước mắm ngon được ăn kèm với bánh tét, nhất là bánh tét chiên giòn rụm.
5. Gà bóp
- Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của mỗi miền, chứ chẳng riêng gì miền Trung.
- Thường sau khi cúng gà luộc sẽ được xé phay, thêm ít hành tây cắt sợi, ít rau răm, chút tiêu, muối bóp đều cho ra dĩa, phần xương thì được nhiều nhà mang đi nấu cháo trắng ngon đến lạ kỳ.
6. Chè kê, chè đậu xanh
- Chè đậu xanh thì gần như chẳng ai xa lạ, thế nhưng nếu đến miền Trung ngày Tết, bạn hãy thử thưởng thức món chè kê “huyền thoại” mà thoạt đầu ngó bạn sẽ tưởng chúng là 100% đậu xanh.
- Chè kê được nấu từ hạt kê, thêm ít đậu xanh, đường, gừng, chúng không mịn như chè đậu xanh, nhưng điểm cộng là không ngọt lịm như các món chè khác, đặc biệt khi ăn bạn sẽ thấy sần sần của hạt kê.
7. Bánh tổ
- Bánh tổ là món ăn dùng để thờ tổ tiên ngày Tết của người miền Trung, nhất là xứ Quảng.
- Chúng được làm từ gạo nếp, đường đen, gừng tươi và hạt mè (vừng), có khuôn bánh được làm bằng tre, lá chuối được rửa sạch, cắt cẩn thận lót vào khuôn, bánh được gói kỹ và dùng tăm tre ghim kín các mép lá.
- Khi ăn, người ta có thể cắt thành từng miếng dùng ngay hoặc nướng trên bếp than, chiên với dầu phungj rất dậy mùi.
8. Bánh lăn
- Là món ăn dân dã, rẻ tiền nhưng lại chẳng thể thiếu trong ngày Tết của một số gia đình ở miền Trung.
- Thành phần chính là nếp thơm dẻo được chọn từ mùa trước, thêm vào các nguyên liệu như cà chua, quất, cà rốt, bí đao, chuối, gừng, vài ba lát dừa… tất cả được cắt mỏng, rim với đường nhỏ lửa đến khi hỗn hợp đặc lại.
- Phần nếp được rang kỹ, xay hoặc giã mịn thành bột, sau đó trộn đều với nước đường cho đến khi dẻo lại. Hòa phần bột nếp với mứt nén thành khối trụ tròn dài, khi ăn cắt thành từng khoanh nhỏ.
9. Bánh nổ
- Bánh nổ là món ăn “chơi” thường thấy trong ngày Tết của người dân miền Trung, là đặc sản của vùng xứ Quảng.
- Bánh làm từ thóc nếp rang trên than hồng tạo nên tiếng nổ vui tai, nên mới được gọi là bánh nổ.
- Những hạt nếp nổ bung, trắng ngần đẹp mắt được ép vào khung gỗ sẵn có hình chữ Nhật. Người ta thắng đường thành keo, thêm ít gừng rồi bôi xung quanh bánh. Chính vì thế, bánh có vị thơm của nếp, của gừng, ngọt thanh của đường, khi ăn lại giòn tan trong miệng.
10. Xôi đỗ xanh
- Chắc chắn rồi, xôi là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng ngày Tết của tất cả các miền, riêng người miền Trung đó sẽ là xôi đỗ xanh.
- Xôi đỗ xanh không quá dẻo, khi ăn vẫn sẽ cảm nhận được vị bùi của từng hạt đỗ, thơm thơm của nếp.
- Không quá cầu kỳ, xôi đỗ xanh vẫn được “vét sạch” mỗi khi Tết đến xuân về ở vùng quê nghèo miền Trung.
Hy vọng thông tin bài viết trên đây sẽ là hữu ích với bạn!
Nếu bạn là doanh nghiệp đang sử dụng số lượng người lao động lớn hay đang quản lý trường học, bệnh viện hãy đến với Công ty Vina Food, là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp suất ăn cho các công ty, bệnh viện, trường học. Với nhiều năm kinh nghiệm và đội ngũ nhân viên đam mê ẩm thực, mong muốn đem đến cho khách hàng những bữa ăn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
CÔNG TY TNHH VINAFOOD
Địa chỉ: Thửa đất số 1888, tờ bản đồ số 28, Đường NI17, KCN Mỹ Phước 3, phường Thới Hoà, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương
Điện thoại: 0783 295 211
Email: thanhtu.vinafood@gmail.com
Website: btvinafood.com