Trong đó việc phòng ngừa, đảm bảo an toàn thực phẩm là 1 trong những vấn đề được chú trọng. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của chúng tôi cho thấy nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm không đạt chất lượng tại các chợ tự phát đối với công nhân hiện nay là rất cao.
Dù được các sở ngành, cơ quan truyền thông, công đoàn công ty thường xuyên tuyên truyền về an toàn thực phẩm, khuyến cáo nên mua các thực phẩm tại các cửa hàng có chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ nhưng đa phần công nhân vẫn thường ghé các chợ tự phát mua rất nhiều. Phần vì đặc thù công việc làm theo ca kíp, phần vì giá cả khá rẻ nên công nhân vẫn thường lựa chọn mua.
Tại 1 sạp bán thịt trước Khu chế xuất Tân Thuận quận 7, công nhân may Nguyễn Thị Hồng Thắm và Lý Kim Phụng cho biết thực phẩm bán tại các chợ tự phát không đảm bảo an toàn, nhưng do rẻ và do không có thời gian nên sau khi tan ca làm việc, thường ghé các chợ tự phát dọc đường để mua thực phẩm: "Mua thịt ở chợ này thì em không biết có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, nhưng mà vừa ra khỏi khu chế xuất, trên đường đi về nhà, tiện đường nên em mua luôn" hay "Thường là đa số mấy chợ tự phát bán thịt chưa qua kiểm dịch, nhưng rẻ, ví dụ cải ngọt ở siêu thị nó bán là 24 – 25 nghìn/ký thì ở ngoài chợ tự phát bán chỉ có 15 nghìn hoặc 20 nghìn, đi làm về mình ghé ngang chợ mình mua cho tiện".
Công nhân Trần Bảo Phúc làm việc tại Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định cũng cho biết: "Thực phẩm ngoài chợ tự phát sẽ không đảm bảo chất lượng, vẫn mua vì một phần tiện trên đường về, với lại một phần là nó vừa với túi tiền tụi em, tại vì tụi em không có nhiều tiền để mua thực phẩm tươi hơn. Cũng may mắn là ở công ty em có được 1 bếp ăn tập thể nên thực phẩm khi mà để chế biến thực phẩm cho buổi trưa để tụi em dùng sẽ chất lượng nhiều hơn, với được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn".
Tại các công ty sản xuất có nhiều lao động, chủ doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm trong các bữa ăn. Bởi vì chủ doanh nghiệp nhận thức rõ nếu để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và nhiều hệ lụy xảy ra đối với sức khỏe người lao động, ảnh hưởng kế đến kế hoạch, năng suất lao động tại đơn vị. Ông Hoàng Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giày da và May mặc xuất khẩu Legamex, cho hay: "Trong thời gian qua, bếp ăn tại các nhà máy của công ty không ngừng được cải tạo về cơ sở vật chất, kiểm tra, giám sát cải thiện chất lượng bữa ăn, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo các nguyên tắc chính như là thực phẩm đầu vào thì phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải được kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình chế biến phải hợp vệ sinh. Qua các đợt kiểm tra hàng năm của chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thì kết quả đều đạt tốt".
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho công nhân, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cho biết thời gian qua, Ban liên tục tổ chức các buổi tập huấn cho những đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhiều cơ sở đã cam kết thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Tuy nhiên, nếu đơn vị không đảm bảo tuân thủ quy trình thì trường học và các khu chế xuất, khu công nghiệp một khi xảy ra ngộ độc thì hậu quả rất khó lường: "Lực lượng thanh kiểm tra chúng tôi không nhiều nên phải có những đối tượng tập trung. Như trường học hay công ty mà nếu để xảy ra ngộ độc thì hậu quả rất lớn, số người nhiều nên chúng ta phải tập trung vào đây. Không phải đợi đến lúc thanh kiểm tra xử phạt mà phải từ đầu, từ tập huấn kiến thức rồi xây dựng quy trình, rồi trong thực hiện quy trình đó sẽ có các bước giám sát, thanh tra hậu kiểm… Nếu làm không đúng thì thanh tra xử phạt".
Trong năm 2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với gần 4.000 cơ sở, phát hiện hơn 760 cơ sở vi phạm chiếm tỷ lệ gần 20%. Ban cũng đã ban hành 694 quyết định xử phạt với số tiền phạt hơn 7 tỷ 400 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi bởi vì những nguồn hàng thực phẩm tại các chợ tự phát thì thường không thể nào quản lý xuể và nắm rõ nguồn gốc xuất xứ - đây cũng là một trong những mối nguy gây nên ngộ độc cấp tính và mãn tính ở người lao động. Phần lớn công nhân ở Thành phố hiện nay chỉ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống. Đáng lo hơn, công nhân hiện nay đang đứng trước thực phẩm bẩn mà việc sử dụng ngay cả bản thân cũng không biết rõ nguồn gốc, hay có đảm bảo an toàn hay không? Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có những chương trình kích cầu cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn, giá cả phù hợp túi tiền người lao động – đây cũng là mong mỏi chính đáng của công nhân đang sống và làm việc trên địa bàn thành phố.